Eventfulday's Blog

Kỳ 31 – NHỮNG KẺ KHỔ NHỤC – Kỳ 11 – Kỳ cuối

NHỮNG KẺ KHỔ NHỤC – Unfortunate people

NHỮNG KẺ KHỔ NHỤC – Kỳ 11

Cuối tháng 12 năm 1979, nhờ chị bạn vợ anh Thư mách bảo: ở ngõ Quỳnh, có một cô chưa chồng, làm ở bưu điện Bờ hồ, đang ở nhờ nhà bà cô, anh Thư rủ tôi đến. Không cần ai làm mối, anh đặt vấn đề với bà cô và trực tiếp nói chuyện với cô làm bưu điện. Và hẹn tối hôm sau, tôi sẽ gặp cô ấy ở nhà anh Thư. Cô ấy ba mươi tuổi, dáng người mảnh mai, nét mặt duyên dáng. Trên đường đi bộ và đêm hôm ấy lòng tôi vui buồn xen lẫn. Vui vì được tiếp xúc làm quen với em, nhất là nụ cười tươi như hoa nở em dành cho tôi khi tạm biệt làm con tim tôi đập rộn ràng. Buồn vì tự hỏi, đây là một tình yêu thực sự sẽ đến hay chỉ là một hình ảnh thoáng qua, một giấc mơ. Và cũng vẫn vì tính tự ti, mặc cảm, tôi thấy em xa vời vợi. Một ngày mong được gặp gỡ – một ngày dài lê thê chưa từng thấy trong đời, tôi đến đã thấy em đứng đợi ngoài đầu ngõ. Tôi dẫn em đến nhà anh Thư nói chuyện. Khi hỏi quê quán thì may quá, quê em và quê tôi tuy khác huyện nhưng chỉ cách nhau dòng sông Trà lý. Đó là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ của chúng tôi mau chóng vẹn toàn. Khi đã yêu nhau, em mới nói:

– Anh cho em bản lý lịch?

– Để làm gì? Như bị dội gáo nước lạnh vào đầu, tôi bàng hoàng hỏi lại.

– Em là một đảng viên nên muốn lấy ai thì người đó phải kê khai lý lịch để đảng bộ xét.

– Nếu biết trước thế này, tôi không dám quan hệ với cô.

– Tại sao thế anh?

– Chế độ coi tôi là phần tử xấu, chắc chắn người ta sẽ ngăn cấm cô.

– Anh cứ yên tâm, em là người quyết định cuối cùng. Chế độ coi anh xấu thế nào?

– Nhiều lắm, thành phần gia đình là địa chủ cường hào gian ác đầu xỏ, bố tôi bị hành quyết hồi cải cách, tài sản bị tịch thu toàn bộ. Còn tôi, đi học thì bị đuổi, không xin được việc làm kiếm sống. Năm 1965, tôi chuẩn bị vượt tuyến vào Nam chống Cộng, việc không thành, tôi phải ở tù gần mười một năm. Hiện nay chỉ được làm hợp đồng tại xí nghiệp sửa chữa nhà cửa quận Hai bà.

– Không sao anh ạ, thú thật là chất đảng trong em nay khác xưa rồi, nó đã băng giá.

– Nếu lấy tôi, người ta sẽ làm nhục cô, sẽ khai trừ cô ra khỏi đảng. Xa hơn nữa, nếu bản chất của chế độ vẫn khăng khăng hẹp hòi cố chấp như hiện nay thì con cái chúng mình khó ngóc đầu lên được. Đấy là chưa kể đến những rủi ro vô cớ khác.

– Em đã quyết lấy anh, mọi nỗi bất hạnh em sẽ chịu, anh cứ yên tâm.

Lời nói của em làm tôi cởi lòng cởi dạ. Tôi không ngờ trong cái xã hội u mê, tội lỗi này lại được nghe những lời vàng ngọc của một phụ nữ xuất thân từ một miền quê nghèo khổ. Quả thật khi đó, tôi cố giấu em nỗi xúc động, cố giấu những giọt lệ trào ra như là để đón nhận một ân tình.

Tôi cũng biết đây là một mối tình đầy những éo le, trắc trở do cái chế độ tự xưng là “ưu việt” này mang lại. Em bị khai trừ ra khỏi đảng – một mặc cảm nặng nề của xã hội đương thời nhưng đâu có đơn giản thế. Trước khi gạch tên một đồng chí trong danh sách, họ còn gây ra vô vàn cảnh đau lòng, tủi nhục cho người đó nhiều tháng, nhiều năm.

– Đến bao giờ thì em cần lý lịch của anh?

– Dù sao cũng phải hoàn tất mọi thủ tục trước ngày chúng ta chung sống, anh nên đưa cho em sớm.

– Còn việc cưới xin?

– Em đoán chắc anh rất nghèo, có lẽ ngoài một gian nhà rách nát, anh chẳng còn gì nữa. Mẹ em ở quê cũng nghèo thôi. Do vậy nên tuỳ tiền biện lễ.

– Ai cũng biết đời chỉ có một lần, nếu điều kiện kinh tế cho phép cũng không nên hà tiện. Mình không làm được lễ cưới như người, đó là nỗi tủi hổ. Em cho biết cụ thể ra sao?

– Em nhất trí với ý kiến của anh. Và để che mắt thế gian, mình đành nói dối. Ở đây mình nói sẽ tổ chức ở quê nhân ngày tết nguyên đán. Và ở quê, mình nói đã tổ chức ở đây rồi. Anh chỉ mua vài ba cân bột mì, vài cân đường, một vài chục quả trứng để thuê làm bánh bích quy, ngoài ra mua thêm dăm lạng chè làm quà biếu. Giản dị thế thôi anh ạ!

Nghe cô ấy nói, tôi lại vô cùng xúc động, không ngờ hai vị trí đối lập nhau: một đảng viên, một tên tù phản cách mạng lại tâm đầu hợp ý với nhau như thế. Nhưng ngày hợp hôn không xe hoa, không “pháo đỏ, rượu hồng” ấy là nỗi tủi hổ nhất của đời tôi. Sau này, mỗi lần gặp một đám cưới trên đường phố hoặc nhận được một thiếp mời là lòng tôi lại bùi ngùi, cay đắng. Đâu có thế mà đời tôi còn nhiều cái nhất tái tê: Đau thương nhất là cái chết thê thảm của bố mẹ anh em tôi, cả thảy năm người chết vì bom đạn, không hương hoa, không người đưa đám; Khổ nhất là thời gian ở nhà tù; Nhục nhất là quãng đời ở nhờ nhà chị ruột; Buồn nhất và nỗi buồn kéo dài lê thê nhất là sự kiện CS cưỡng chiếm miền Nam; Tiếc nhất là không được học hành tử tế, không đóng góp được gì nhỏ bé cho cõi đời này, tôi trở thành người vô dụng.

Từ hôm ấy, ngoài giờ đi làm, cô ấy thường xuyên đến để thu dọn nhà cửa và cùng tôi chạy giấy tờ thủ tục kết hôn. Chúng tôi đã không lường hết những khó khăn, trở ngại. Bà Lan Khanh – bí thư đảng bộ bưu điện bờ hồ khi đọc xong lý lịch của tôi, bà ấy trừng mắt nhìn vào nhà tôi nói:

– Chúng tôi không ngờ đồng chí lại định kết hôn với một phần tử nguy hiểm của cách mạng. Đồng chí hãy mau mau tỉnh ngộ lại. Với trách nhiệm được đảng giao phó, chúng tôi phải cứu vớt đồng chí.

– Em mong chị thông cảm, cơ quan thông cảm, tuổi em đã nhiều, cho phép em được lấy anh này, kỉ luật thế nào em xin chịu.

– Cô nói đơn giản thế. Bao nhiêu năm đảng giáo dục, đào tạo, bỗng chốc cô rời bỏ hàng ngũ đảng để sang phía kẻ thù giai cấp thì cái tội ấy chẳng những cô phải chịu, còn liên quan đến cả chúng tôi.

– Cảm ơn tấm thịnh tình của chị, cảm ơn sự quan tâm của đảng. Em hỏi chị, mấy năm nay em phải đi ở nhờ khổ nhục, với hàng chục lá đơn kêu cứu của em để xin trở về khu tập thể, tại sao đảng bộ cơ quan vẫn làm thinh?

Cô ấy ở nhờ nhà bà cô cũng chịu khổ nhục như tôi ở nhờ nhà chị ruột dạo trước. Có lẽ một phần do nỗi đắng cay này mà cô ấy đã lấy tôi, nếu vẫn ở tập thể của cơ quan thì chưa chắc… vì người ta quan niệm tội phản cách mạng còn đáng sợ hơn bệnh hủi, bệnh lậu cơ mà.

Cuối cùng, bà Lan Khanh nói một câu ngắn gọn:

– Thay mặt đảng bộ, tôi sẽ phản đối đến cùng.

– Em nhất định cứ lấy người này – Cô ấy cũng trả lời đanh thép và ngắn gọn.

Bà Lan Khanh bốn lần đến xí nghiệp sửa chữa nhà cửa quận Hai bà, gặp ông Y – bí thư chi bộ và phòng tổ chức để bàn bạc hiệp đồng ngăn cấm. Hôm tôi đưa đơn xin giấy giới thiệu đăng ký kết hôn lên phòng tổ chức, trưởng phòng nói:

– Căn cứ vào đâu mà chúng tôi chứng nhận cho anh chưa có vợ.

– Phòng căn cứ vào lý lịch của tôi chứ còn vào đâu nữa. Nếu cần xác minh, các anh cứ hỏi sở công an Hà nội hoặc bộ nội vụ, hai cơ quan này biết rõ tôi.

– Theo đề nghị của anh, chúng tôi không thể làm ngay được mà phải có thời gian nghiên cứu, thanh tra.

– Tuỳ các anh, đây là việc hôn nhân chứ không phải là vụ giết người, cướp của hay âm mưu lật đổ chính quyền.

– Không bình thường thế đâu anh Tâm ạ. Chúng tôi có trách nhiệm phải cứu vớt một đồng chí của mình đang sa ngã.

– Đấy mới là cốt lõi của vấn đề. Anh đã nói thẳng thắn, tôi xin cảm ơn anh.

Khi đó, ông bí thư chi bộ vào phòng, ông yêu cầu gặp riêng nhà tôi. Tôi biết, ông nông dân vô học này là lực cản lớn nhất trong xí nghiệp. Gặp riêng nhà tôi, hắn sẽ nói nhiều điều bỉ ổi nhưng tôi không thể từ chối. Bởi vì hôn nhân không giấy giá thú ở một xã hội tự do chẳng hệ trọng gì, nhưng ở một đất nước dưới chế độ CS, quản lý con người bằng hộ khẩu cũng như quản lý miếng ăn thì hậu quả sẽ khôn lường. Rất có thể một đêm nào đó, cảnh sát ập đến bắt chúng tôi ra đồn giam lại với cái tội cư trú và cho cư trú bất hợp pháp. Xa hơn, khi những đứa con của vô tội ra đời, người ta sẽ không cho chúng đăng ký hộ khẩu, từ đó dẫn đến việc chúng không được cung cấp miếng ăn và việc học hành sau này cũng gặp nhiều rắc rối.

Khi gặp nhà tôi, ông bí thư hỏi:

– Chị có biết, bố anh ta là địa chủ cường hào gian ác đầu sở, bị cách mạng xử trí hồi cải cách không?

– Thưa bác, tôi biết?

– Anh ta phải đi cải tạo gần mười một năm vì tội phản cách mạng?

– Tôi cũng biết.

– Ai nói với chị?

– Chính anh ấy.

– Thằng cha này trơ tráo, to gan nhỉ, hắn không thấy nhục mà dám kể lại với chị à?

– Vâng, đó là sự thật.

– Biết thế, tại sao chị là một đảng viên mà dám lấy một phần tử nguy hiểm?

– Nguy hiểm thế nào tôi chưa rõ, anh ấy cũng là một con người có khối óc, có trái tim.

– Hỏng, hỏng bét rồi. – Ông bí thư kêu to lên – Bao nhiêu năm được đảng giáo dục, đào tạo đến nay vì một tấm chồng mà chị quên cả bài học vỡ lòng là lập trường giai cấp và lập trường cách mạng?

– Lập trường ấy thì ai cũng rõ, tuy nhiên, hạnh phúc tối thiểu nhất của một con người là phải có gia đình.

– Chị lấy chồng thì ai ngăn cấm nhưng đảng dạy rằng yêu thương phải dựa vào lập trường giai cấp và lập trường cách mạng. Chị có biết lấy anh này là cực kỳ nguy hiểm sẽ đưa cuộc đời chị xuống vực thẳm không, từ một đồng chí chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của đảng, chị chạy sang phía kẻ thù phản quốc, phản cách mạng không?

– Cũng như tôi đã nói với bà Lan Khanh, đảng cho phép tôi đi lấy chồng, lấy người này, mọi hình thức kỷ luật tôi xin chịu.

– Chị đã quyết thì được nhưng chúng tôi không bỏ rơi một đồng chí đang sa ngã dễ dàng như chị tưởng.

Sau một thời gian hơn một tháng, có lẽ phòng tổ chức xí nghiệp hỏi ý kiến sở công an mà cơ quan an ninh muốn tôi có vợ con – một sợi dây ràng buộc. Vì thế họ cho tôi giấy giới thiệu đăng ký kết hôn. Còn nhà tôi lận đận hàng tháng, ngày nào cũng gặp bà Lan Khanh nhưng bà ta một mực từ chối với lý do cứu vớt một đồng chí đang sa ngã. Đến ngày 31 – 1 – 1980, chúng tôi quyết định cứ xếp hàng xin đăng ký ở uỷ ban quận. Thời kỳ đó, xin được cái giấy giá thú rất nhọc thân: một tuần chỉ được đăng ký vào hai buổi sáng thứ hai và thứ năm. Do quan liêu, thư lại, chất vấn nhiều điều nên mỗi buổi làm việc, số người không được đăng ký rất nhiều. Ai cũng muốn được việc nên thi nhau xếp hàng thật sớm. Bốn giờ sáng chúng tôi đã có mặt, đã có hàng trăm người đến trước. Sau đó nhà tôi lại phải đến cơ quan, tiếp tục năn nỉ xin giấy giới thiệu. Cũng may, sáng hôm ấy bà Lan Khanh đi vắng, ông phó bí thư thay. Lúc đầu, ông ta cũng một mực từ chối, nói là để bà Lan Khanh giải quyết làm nhà tôi nổi khùng:

– Nếu các ông, các bà muốn, ngay bây giờ tôi sẽ viết đơn xin ra khỏi đảng, đổi lại tôi xin cái giấy này.

– Cô to gan thật đấy, coi việc lấy chồng hơn đảng phải không?

– Vâng, nếu biết trước cơ sự này, tôi đã không xin vào đảng.

– Được lắm, tôi cho giấy cô. Nhớ sau này xảy ra chuyện gì, đừng có oán trách tôi.

– Cảm ơn bác, tôi sống lương thiện chỉ có thể xảy ra mất đảng tịch là cùng…

Sau khi đưa giấy giới thiệu cho nhà tôi, ông ấy nói thêm:

– Kiên trì đi theo đảng, giữ vững lập trường cách mạng mới khó, chứ…

Mười một giờ hai mươi, nhà tôi mang giấy giới thiệu đến. Mười một giờ hai mươi hai phút, chúng tôi được đăng ký. Vào cuối giờ làm việc, có lẽ đã mệt mỏi, họ không vặn vẹo gì nhiều.

Không nói ra lời, tôi vô cùng xúc động trước hành động quả cảm của vợ mình – một hành động mà tôi hằng ghi nhớ và biết ơn em nhiều lắm.

Tuy vậy, suốt nhiều năm chung sống, tôi đã vắt cạn kiệt sức mình nhưng do vị trí thấp hèn, bị vùi dập, hắt hủi mà lực bất tòng tâm, niềm vui chẳng được là bao, còn nỗi buồn thì… Nghèo khổ đóng vai trò thủ phạm. Điều này, tôi đã nói với vợ mình trước ngày chung chăn gối, chế độ CS còn tồn tại thì đói nghèo, lạc hậu, mất tự do là cái chung. Còn cái riêng, mình phải chịu số phận nghiệt ngã hơn người.

Ngoài tết, có lần nhà tôi tình cờ gặp bà Lan Khanh ở sân cơ quan, bà ấy hỏi:

– Đồng chí vẫn sinh hoạt chi bộ bình thường đấy chứ?

– Tôi tưởng đảng bộ đã xoá tên tôi trước tết rồi.

– Cô coi đảng như cái chợ à? Trước khi cho phép cô rời bỏ tổ chức, đảng phải dạy cho cô một bài học nhớ đời.

Sau hơn một năm, tưởng như câu chuyện đã chìm trong quên lãng, nhưng…

Cuối năm ấy, thằng con trai tôi ra đời – một niềm vui đến nhưng sau đó ba tuần tiếp đến một rủi ro. Tôi bị viêm phổi nặng phổi nặng phải đi bệnh viện. Bà ngoại cháu lên chơi, khi tôi nằm viện bốn ngày, trong lúc nước sôi lửa bỏng thì bà bỏ về quê. Nhà tôi vừa chăm sóc con thơ, vừa phải đi lại chăm nom chồng trong bệnh viện, cô ấy gầy guộc xanh xao, nét mặt ủ rũ như cánh hoa tàn héo.

Sau một tuần nằm viện, một tháng phải nghỉ lao động, bốn mươi ngày tiêm thuốc kháng sinh không có gì bồi dưỡng, ăn uống lại đạm bạc, ngoài mấy lạng thịt mua theo phiếu loại hai, tôi vốn dĩ đã gầy yếu lại càng quắt queo hơn. Thằng con trai cũng cùng chung số phận, gạo đong mậu dịch vừa hẩm, vừa nhiều sạn, trấu thuê xay thành bột nấu cho cháu.

Sau tết, hết thời gian nghỉ đẻ, nhà tôi đi làm, mang theo con gửi nhà trẻ cơ quan ở phố Hàng Bài. Đảng bộ bắt đầu chiến dịch khủng bố tinh thần, thường ngày nào cũng thế, hết giờ làm việc nhà tôi phải ở lại để tổ đảng, có khi cả chi bộ tập trung phê phán y như đấu tố địa chủ hồi cải cách. Trong lúc phê phán nhà tôi cũng là dịp may hiếm có để các đảng viên bầy tỏ lập trường cách mạng. Vì không ai muốn để cấp trên xem mình thiếu kiên định lập trường giai cấp và tính đảng nên đua nhau phát biểu”

– Bao năm được giáo dục, rèn luyện cho nên người CS nay bỗng chốc chị phản đối lại đảng, phủ nhận công ơn của đảng…

– Chúng tôi không ngờ chị đã quay 180o, từ một đồng chí chị chuyển hoá thành một đối tượng của cách mạng…

– Tôi không nhớ câu nói sau đây của lãnh tụ nào: “Nếu là hoa phải là hoa hướng dương, nếu là đá phải là đá kim cương, nếu là người phải là người CS”. Nay chị đã bỏ cái vinh dự ấy để tiếp nhận một nỗi nhục nhất của thời đại là chung sống với kẻ thù nguy hiểm của cách mạng… vv… và vv…

Nhà tôi vốn chất phác chẳng nói được gì, buổi phê phán nào cũng xin “các anh, các chị tha cho tôi về sớm để đón cháu”. Bởi vì lần nào cũng thế, gần một giờ chiều họ mới buông tha, nhà tôi cập rập đến 23 phố hàng Bài đón cháu cũng thấy con một mình đứng trong cũi trẻ khóc sướt mướt vì đói. Thì ra hành mẹ chưa thỏa, họ chờ con ra đời đã hành cả mẹ lẫn con, hành hàng tháng. Những lần phê phán sau, nhà tôi nói: “Khi sắp lấy chồng tôi đã biết thân biết phận mình rồi, không xứng đáng là đảng viên nữa. Nay xin các anh, các chị tha cho tôi, tha cả cho cháu nữa. Khổ lắm, trẻ thơ đã biết gì mà phải chịu đói, chịu khát lây với mẹ”. Cũng thời gian đó, ở cơ quan, người ta bàn tán với nhau một chuyện, dần dà nhà tôi cũng được hỏi:

– Gần đây chồng mày bỏ đi đâu mấy ngày phải không?

– Chồng tao đi đâu? Ngày hai buổi đi làm, trưa tối và cả đêm ở nhà, hôm nào cũng thế.

– Họ bảo chồng mày đi du đãng ấy cơ?

– Tao hỏi mày, ai nói, đứa khốn kiếp nào đã bịa đặt? Chồng tao tử tế chứ không phải quân lưu manh, trộm cắp. Biết đứa nào vu khống, tao sẽ vạc mặt nó ra.

– Mày có biết người nói cũng chẳng làm gì được họ, nếu không giữ mồm giữ miệng thì khổ đấy.

Đến khi bà Lan Khanh về hưu, người ta mới dám tiết lộ, nguồn tin bịa đặt đó là do bà ấy phát ra với mục đích hạ nhục nhà tôi thêm nữa. Hết sự kiện này đến điều vu khống khác ròng rã cả năm 1981, cấp uỷ mới để nhà tôi yên và việc khai trừ cô ấy ra khỏi đảng mới chấm hết, nhưng dư luận gièm pha, đàm tiếu của thiên hạ còn kéo dài mãi sau này, đến cuối năm 1986, khi đất nước được mở cửa về kinh tế. Vô số kẻ vừa u mê, vừa xấu bụng tìm cách chia lìa, phá hoại tổ ấm của chúng tôi. Bởi vì dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với cái gọi là đấu tranh giai cấp, niềm vui của con người được xây dựng trên nỗi bất hạnh, nước mắt của người khác. Tôi cao hơn anh, vui hơn anh khi anh sa chân xuống hố.

* *

*

Hai vợ chồng tôi, mỗi người có một chiếc xe đạp tàng tàng, săm lốp và phụ tùng không có tiền mua nên một chiếc treo lên xà nhà, tháo dần phụ tùng để lắp cho cái đang sử dụng. Nhà mục nát khi ấy nghiêng đi nếu không kịp thời chống thì đã đổ. Về mùa hè, trong nhà nóng như trong hầm kín, trời mưa bị dột tứ tung. Nhà tôi còn may là ở chỗ đất cao, nhiều nhà khác khi mưa to bị ngập úng kéo dài hàng tuần. Và ngõ biến thành một con mương nổi lềnh bềnh phân, chuột chết, rác rưởi.

Những ngày nắng nóng, hàng nghìn người chỉ có hai vòi nước công cộng, lúc chảy, lúc không, có khi chờ chực xếp hàng cả đêm vẫn chẳng lấy được nước để dùng trong giai đoạn con thơ tã lót. Về mùa xuân, đường ngõ lấy lội nhớp nháp bẩn thỉu vô cùng. Trước cuộc sống cùng quẫn ấy, tôi đã tranh thủ mọi thời gian nghỉ để kiếm việc làm thêm. Buổi tối, vận chuyển Mazi từ nhà bác Đồng đến phố Nguyễn Thiệp để nhờ anh Cương bán giúp. Có những tối, trời mưa tầm tã, đường Đê la thành trơn như đổ mỡ, tôi bị ngã liên tục nhưng vẫn thồ ba chuyến bằng xe đạp đến gần nửa đêm mới về nhà. Tuy có cực nhọc, có vất vả nhưng miếng ăn của vợ con được cải
thiện, điều đó với tôi là một niềm vui.

Từ khi nhà tôi bị khai trừ ra khỏi đảng, tôi có ý định bỏ xí nghiệp ra ngoài kiếm sống nhưng vẫn băn khoăn câu nói của ông Hồ “làm Hà nội trong sáng như pha lê” Nhưng bất ngờ xảy ra một sự kiện, cuối năm 1981, phòng chấp pháp Hoả lò đưa giấy gọi tôi qua xí nghiệp.

Khi vào phòng 5, tôi hỏi chấp pháp Nguyễn toàn Thắng:

– Tôi không hiểu vì lý do gì các anh lại gọi vào đây?

– Như anh, khi nào chúng tôi thấy cần là có lý do rồi. Riêng lần này, anh cứ yên tâm, không liên quan đến anh đâu.

– Không có liên quan, tại sao các anh lại gọi?

– Tại sao à? – Hắn cười nhạt – Anh phải tự biết mình chứ, chúng tôi không trả lời anh. Anh nên biết, chúng tôi gọi anh lên đây để trả lời những câu hỏi của chúng tôi chứ không được phép thắc mắc gì, nghe chưa?

– Thôi được, các anh hỏi cái gì?

– Anh Thanh cạnh nhà anh sinh sống thế nào?

– Tôi hoàn toàn không biết, mà nói thật tôi cũng chẳng cần biết để làm gì?

– Anh phải biết, hàng ngày tên Thanh buôn gian, bán lậu ra sao, anh phải khai cho rõ?

– Một lần nữa, tôi quả quyết không biết gì về con người ấy. Tại sao các anh hỏi tôi như một người phạm tội?

– Đối với anh, dù quá khứ hay hiện nay, chúng tôi vẫn coi anh là đối tượng. Đừng có ngang bướng nữa, biết gì tên Thanh hãy khai ra rồi về.

– Khổ lắm, tôi đã nói rồi, anh có vặn vẹo mãi thì cũng thế thôi.

– Anh có biết tên Thanh bị bắt không?

– Tôi không biết.

– Ở cạnh nhà nhau mà không biết à?

– Nếu anh Thanh bị bắt thì ai nói mà tôi biết?

– Khai thật đấy nhá, nếu che giấu cho tên Thanh thì pháp luật không tha cho anh đâu.

– Tôi đồng ý.

– Anh ký vào giấy này rồi về.

– Sao lạ lùng thế? Tôi có làm gì sai đâu mà phải ký vào bản khai cung.

– Nếu anh không ký thì cứ ở đây mà chờ.

– Anh bắt tôi à?

– Tôi không bắt nhưng nếu thấy cần thiết, tôi sẽ có lệnh.

Chợt nhớ đến truyện “con chó sói và con cừu” của La Fontaine, tôi đọc lại bản viết của hắn rồi ký.

– Có thế chứ, nếu anh cứ ương ngạnh chỉ thiệt thôi. – Nói xong hắn dẫn tôi ra cổng. Tôi đi trước hắn, hắn bảo:

– Anh lùi lại, đã vào đây nếu tôi không dẫn anh ra thì ở đây luôn.

Từ sự kiện đó, trong xí nghiệp từ giám đốc đến công nhân đều lời ra tiếng vào tôi bị công an gọi, chắc là có vấn đề. Tiền thưởng do xí nghiệp hoàn thành kế hoạch năm tôi cũng bị cắt.

Đầu tháng ba năm 1982, xí nghiệp làm cả ngày lẫn đêm để hoàn thành bức tường trang trí ở chợ Mơ, lấy thành tích chào mừng đại hội đảng V. Trong lúc làm việc, gã đội trưởng vô cớ quát mắng hạ nhục tôi, tôi đã phản ứng lại hắn quyết liệt. Và ngày hôm sau, tôi làm đơn xin nghỉ việc. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó, đứa con thứ hai sắp ra đời nên cháu trai phải gửi về quê nhờ bà ngoại và bá cháu trông nom từ hồi tết. Xa con vừa nhớ, vừa thương nhưng nghe nhà tôi quả quyết về trách nhiệm của gia đình với cháu, tôi có phần yên tâm. Khi bỏ xí nghiệp, tôi có ý định về quê đón cháu ngay vì hiểu rằng, trách nhiệm và tình thương yêu cao nhất bao giờ cũng thuộc về bố mẹ dành cho con nhưng hoàn cảnh kinh tế lúc đó vô cùng thiếu thốn. Cháu thứ hai – cháu gái ra đời được ba tuần, có người nhà ở quê đến nói, cháu lớn đang ốm rất gầy và yếu, hai ngày sau tôi về quê đón cháu. Đi ca nô từ sáng sớm ở cảng phà đen đến gần ba giờ chiều mới tới thị xã Thái bình (tôi bị say ô tô nên không đi được), và đạp xe đến quê thì mặt trời sắp lặn. Dắt xe vào sân, tôi thấy con mình thân tàn ma dại, cởi truồng ngồi như tượng trên mảnh chiếu rách đầu hè, quanh miệng và lỗ mũi ruồi bâu đen, mặc chiếc áo sơ mi xanh, vạt trắng nhem nhuốc, chân tay, cổ ghét bám thành đống. Tôi đến gần ruồi bay đi, lỗ mũi và phía môi trên cháu đỏ lòm như máu. Xúc động quá không làm chủ được mình, tôi bế cháu lên và khóc như mưa:

– Bố đã có tội với con!

Lúc đó cháu đã hơn hai mươi tháng tuổi, không đứng lên được nữa mà hồi tết cháu đã đi nhanh. Thấy tôi khóc, bà ngoại cháu cũng khóc và nói:

– Tớ bảo bá nó đi bốc thuốc nhưng bá nó nói còn bận mùa màng chưa đi được.

– Thưa bà, gần đây cháu ăn uống thế nào?

– Sợ nó đi tiêu chảy nên hai mươi ngày nay chỉ cho ăn cháo muối và mì chính, mỗi bữa nó chỉ ăn được một vài thìa.

Tôi thoáng nghĩ, ăn thế thì sẽ chết vì suy dinh dưỡng trước, sau đó mới do bệnh tật, song tôi biết trách ai mà chỉ oán trách mình. Đẻ con ra không trông nom, chăm sóc được phải gửi người khác thì ai có trách nhiệm như bố mẹ? Tuy đã muộn nhưng còn kịp thời, nếu chậm một vài tuần nữa, có thể cháu phải từ bỏ cõi thế gian này.

Tối khuya cả nhà mới ăn cơm – một bữa cơm đạm bạc, rau muống luộc chấm nước mắm cáy. Chị T nói:

– Thấy chú về, tôi mới đi hái rau, nhẽ ra cả nhà chỉ ăn cơm với nước mắm thôi. Mùa màng, nhiều ngày phải làm quá nửa đêm, tôi luộc một nồi khoai lang để ăn bồi dưỡng. Buổi tối cháu chẳng ăn uống gì, khóc thất thanh, khóc không thành tiếng. Ban đêm, ba lần khóc, mỗi lần kéo dài hàng giờ, tiếng khóc của cháu nghe não nề, đau từng khúc ruột, như kim nhói vào tim, như tiếng kêu cứu thảm thiết của một đứa trẻ bị ma hành quỷ ám, tử thần rình rập sắp sửa bắt đi.

Ngày hôm sau, tôi pha nước chè tươi với đường cho cháu uống, không ngờ cháu cạn chén ngon lành. Tôi nảy ra ý nghĩ, cho con uống nước chè đường trong lúc cơ thể đang kiệt quệ là tốt chứ sao! Muốn đưa con về Hà nội chữa bệnh, trước hết phải đưa dinh dưỡng vào cơ thể nó để có sức làm một cuộc hành trình hàng trăm cây số. Từ khi đó, cháu uống nước chè đường liên tục và nhờ bác y tá, người họ hàng tiêm B1, B12 trợ lực. Buổi chợ hôm ấy chị T mua chiếc bánh tẻ, cháu ăn ngấu nghiến và buổi trưa cháu ăn cháo thịt nạt được một bát đầy. Đến lúc này tôi mới cảm thấy yên tâm, nhẹ nhõm về cháu.

Sáng hôm sau, chị T cùng tôi đưa cháu về Hà nội, một cuộc hành trình đầy vất vả. Theo đường đê sông Trà lý lên thị xã dài ba mươi cây số, trời nắng nóng đi được vai chục mét thì cả hai xe đều xịt lốp. Hai chị em phải dắt bộ khoảng năm sáu cây số mới có thợ chữa xe. Lúc đầu, cháu ngồi im lặng trên ghế mây buộc trên yên xe, sau đó cháu dựa vào thành ghế ngủ làm chiếc mũ cói đội trên đầu cháu vô tác dụng, tia nắng quái ác dọi thẳng vào mặt cháu. Ngoái cổ lại nhìn con lúc này mới thảm hại làm sao! Khuôn mặt quắt queo, nhăn nhúm như ông già, nước da nhợt nhạt, viền mắt thâm quầng, lỗ mũi và phía môi trên như tiết đắp vào. Khách qua đường nhìn thấy, hẳn nhiều người nghĩ rằng đứa trẻ này gần đất xa trời.

Gần một giờ chiều mới đến thị xã, đáng buồn là cả hai đều say ô tô nên chúng tôi phải phải tìm đến người họ hàng ở nhờ buổi chiều vào đêm hôm ấy để sáng sớm hôm sau đi ca nô về Hà nội.

Chỉ sau một tuần, mặc dù bệnh tiêu chảy chưa khỏi nhưng cháu ăn uống bình thường, ngày và đêm không khóc nữa, đứng lên đi lại dược, bệnh loét mũi cũng khỏi nhưng vì cơ thể kiệt quệ, đến cuối năm cháu vẫn chưa bình phục lại mắc bênh sởi, đúng là hoạ vô đơn chí.

Đây là dấu ấn nặng nề về phương diện nhân tình, nhiều năm qua nó vẫn đậm nét trong trí nhớ của tôi. Nếu không may cháu có mệnh hệ nào… thì cái tổ ấm của gia đình tôi có thể sẽ tan tành. Mỗi lần vợ chồng tôi xảy ra chuyện bất hoà, dấu ấn ấy sẽ là một trong nhiều nhân tố biến tôi thành một thằng điên. Tưởng cũng nên xem xét lại còn những nguyên nhân nào nữa? Bất cứ ai đã sống nhiều năm trong nhà tù CS đều mang một vết sẹo tinh thần – một tính xấu: người nói năng nhảm nhí, kẻ ích kỷ tham lam, người sống buông thả bất chấp lương tâm và đạo đức, kẻ thèm khát danh lợi đến độ mù quáng, vô liêm sỉ. Riêng tôi, chẳng những hàng chục năm tù, mà gần trọn cuộc đời chìm đắm trong nước mắt, cơ cực và tủi nhục. Có lẽ vì nén chịu quá nhiều, quá dài nên khi gặp chuyện bất bình ngay tức khắc biến tôi thành một thằng khùng, mất lý trí, mất phương hướng, không thể kìm hãm được tính xấu của mình, trong lúc đó chấp nhận mọi sự đổ vỡ. Đáng tiếc là nhiều phen tính hung hãn đã dội vào đầu vợ con mình. Sau mỗi lần như thế, tự mình lại hành hạ giày vò mình làm nhiều đêm mất ngủ. Và khi nào chợt nhớ, tôi lại giật mình hoảng sợ – hoảng sợ vì bản năng thú tính của mình khi gặp sự bất bình. Tôi căm giận nhất là nói dối và những lời nói thô bỉ, đay nghiến chua ngoa. Những điều đó nếu vợ mình phạm phải, không có phương sách nào làm tôi có một thái độ bình thường.

Biết được tính xấu của mình, tôi thường khuyên con cái đừng bao giờ nói dối nếu không muốn chịu những hành động tàn nhẫn do tính điên đột biến của tôi, và với vợ cũng có những lời khuyên tương tự. Cái hay của nhà tôi là không (hay ít) nói dối nhưng ác khẩu, từ một sơ xuất không đáng để tâm của chồng con, cô ấy cũng la lên thành một sự cố như trời sắp sập.

Cái xã hội đểu cáng này đã cướp đi của tôi mọi niềm tin, nếu còn chăng là lòng tin yêu vào vợ con mình. Vợ con là cứu cánh tạo ra nguồn sinh lực để tôi tiếp tục cuộc hành trình trên chặng đường đời cuối đầy gian truân, cơ cực nhưng đáng tiếc là vợ mình chưa hiểu nhiều tâm tư, tình cảm của mình nên cái tổ ấm của tôi không phải lúc nào cũng phẳng lặng, bình yên. Như đã nói, cả cuộc đời tôi bị vùi dập, đoạ đầy thô bạo tạo nên những cử chỉ hoặc lời nói biểu hiện tình cảm ngọt ngào sẽ là những thang thuốc bổ làm tôi dịu bớt nỗi đau, con người tôi trở nên mềm yếu, ngoan ngoãn dễ phục tùng, dễ khoan dung và độ lượng. Ngược lại khi đối diện với bạo lực hoặc những hành động và lời nói thô bạo, con người tôi thay đổi thành kẻ cứng rắn, cố chấp, không tính đến thiệt hơn, như con thiêu thân sẵn sàng lao vào lửa, như một thằng điên thách thức với mọi hiểm nguy… Tuy vậy, với những kẻ tầm thường, không phải đối thủ, tôi lạnh lùng nhịn nhục bỏ qua.

Nhân đây, tôi cũng xin bầy tỏ một vài quan điểm. Đại đa số cho rằng, kiếm tiền là mục đích tối thượng, họ ước mong một cuộc sống an nhàn, làm ít, hưởng lạc nhiều. Thước đo giá trị con người cũng do đồng tiền chi phối. Ngược lại có một số người trong số đó có tôi cho rằng, phải làm được việc gì đóng góp cho cõi đời này trước khi về bên kia thế giới. Họ quan niệm đồng tiền là phương tiện chứ không phải mục đích của cuộc đời. Thích giàu sang, thích ăn ngon, mặc đẹp, điều đó thuộc về bản năng, về tâm lý nhưng đã là một con người không thể thiếu phần ý thức và trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. ý thức không phải tự nhiên mà có, phải dầy công học hỏi, tìm tòi. Một xã hội văn minh phải có nhiều người có ý thức. Ngược lại, một xã hội lạc hậu, dân trí thấp là một xã hội đa số sống theo bản năng, theo thị hiếu thấp hèn. Một xã hội, những tác phẩm của các nhà văn, nhà tư tưởng lỗi lạc như Victohugo, Alecxandro Dumas, Walterschott… bán theo giá giấy loại, bán cân, còn các cửa hàng sách cho thuê toàn chuyện ái tình nhảm nhí. Một xã hội, ít nhà khoa học được hưởng những thành tựu của khoa học và không ít kẻ vô học được hưởng những sản phẩm cao nhất của trí tuệ lại công kích nhục mạ người có học, người trí thức. Một xã hội không tôn trọng tài năng, trí tuệ, lẫn lộn giữa tài năng và mánh khoé. Người có nhiều thủ đoạn, nhiều mánh khoé, luồn lách giỏi trở nên giàu có, được thiên hạ kính nể, coi là một tấm gương. Một xã hội gạt bỏ lương tâm, ý thức, trách nhiệm với bố mẹ, anh em và điên loạn trong mục đích kiếm tiền, xã hội ấy dù bước đầu có sự tăng trưởng về kinh tế, nếu không có vĩ nhân xoay chuyển lại, nếu không có một cuộc cách mạng văn hoá thay đồi lại tư duy thì xã hội ấy đi về đâu?

Đồng tiền là con dao hai lưỡi. Thực vậy, đồng tiền là phương tiện tối ưu đưa con người đến vị trí sung mãn về vật chất. Muốn chữa bệnh, muốn học hành thành đạt hay mưu cầu bất cứ một việc gì thì đồng tiền giữ vai trò quyết định. Ngược lại, đồng tiền có một ma lực dễ dàng dẫn con người đến tội ác. Xã hội Việt nam từ u mê, điên loạn về ý thức hệ Marx – Lénine chuyển sang u mê, điên loạn về đồng tiền sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường.

Vấn đề đạo đức vốn dĩ nửa thế kỷ qua đã bị băng hoại nghiêm trọng, nay với nền kinh tế thị trường – nền kinh tế tư bản rừng rú, quái thai – tích luỹ tư bản bằng sức mạnh của nền chuyên chính vô sản tạo ra những tư sản đỏ, địa chủ đỏ – những nét tinh hoa còn sót lại sau trận cuồng phong của ý thức hệ lại một lần nữa lâm vào thời kỳ rung rinh, nghiêng ngả.

Tháng Bảy 17, 2009 - Posted by | Hồi ký: Một ngày giông tố, Phần 2 - Những kẻ khổ nhục

3 bình luận »

  1. Ddây là mo^t ta^.p ho^\i ki’ tuyê.t vo+\i co ‘ gia ‘ tri. vê\ nhiê\u phu+o+ng diê.n ca^\n dduoc phô? biê’n ro^.ng ra~i.
    rat uoc mong ta ‘c gia? dda~ra kho?i bo^’i ca?nh so^’ng va kho^ng khi ‘xa~ho^.i cu~ ( con cai dduoc ddi hoc va thanh tai ) Ne^’u dduoc xin cho ddo^.c gia? biet thêm vi hoi ki cham dut vao thoi diem 1982
    ( rieng phan chung toi, chung toi vô cung xuc ddo^.ng va thuong ca?m tu luc bat ddau ddoc va khi ddoc xong hoi ki nay hom nay, mong duoc ket ban va ddong gop giup ddo neu tac gia ddo^\ng y ‘ )

    Bình luận bởi Trong Tuyen NGUYEN | Tháng Tám 12, 2009 | Trả lời

    • Chân kính cảm ơn bạn rất nhiều vì đã dành thời gian đọc cuốn hồi ký , cũng như đã có lời chia sẻ, đồng cảm với tác giả.

      Ước mong của chúng tôi đó là tiếp tục nỗ lực lan truyền và phổ biến rộng rãi cuốn hồi ký này như một sự chân kính và đồng cảm vượt qua mọi không gian và thời gian dành cho tác giả và những con người VN đã trải qua hoàn cảnh như tác giả!

      Các bạn có thể phản hồi thêm cho chúng tôi biết cảm nghĩ về tập hồi ký này, qua email: eventful.day@gmail.com.

      Chúc bạn mọi sự tốt lành!

      Bình luận bởi eventfulday | Tháng Tám 14, 2009 | Trả lời

  2. tôi là 1 thanh niên trẻ sống ở Vn.Mong rằng quyển sách này đến được với nhiều độc giả trong nước,Tác giả là 1 người có 1 cuộc đời vô cùng đau khổ ,tôi đọc mà như mình được sống trong thời đại đó,không có gì nhận xét thêm về sách nữa,vì đã quá tuyệt vời rồi,quyển hồi kí này cùng với những quyển DƯỚI TẦNG ĐỊA NGỤC và HỒI KÍ NGƯỜI TÙ CẢI TẠO của 2 người lính VIỆT NAM CỘNG HOÀ đã cho tôi được thấy rõ về thực trạng của VN từ năm 1950-1994.Quyển hồi kí này của 1 người dân miền bắc và 2 quyển kia của lính miền nam thật là đầy đủ về xã hội ta ngày đó.Tôi rất mong 3 quyển sách này đến được với tất cả các bạn trẻ vn.CẢM ƠN TÁC GIẢ RẤT NHIỀU.

    Bình luận bởi nguoiviet | Tháng Mười 18, 2009 | Trả lời


Bình luận về bài viết này